Lịch sử hoạt động Tiger_II

Pháo

Pháo 88mm KwK 43 L/71 của Vua Cọp có khả năng xuyên giáp rất mạnh. Ở khoảng cách 1 km, góc nghiêng 30 độ, khi sử dụng đạn Pzgr-39/43 APCBC-HE có thể xuyên phá vỏ thép dày 165 mm; ở khoảng cách bắn 2,29 km có thể xuyên phá vỏ thép dày 127 mm. Còn ở khoảng cách 457 mét, Vua Cọp có thể xuyên thủng lớp thép dày 185 mm kể cả ở góc nghiêng 30 độ. Sức xuyên này đủ sức hạ gục phần lớn các loại xe tăng Đồng Minh từ cự ly khá xa (trừ các loại xe hạng nặng như IS-2). Khi sử dụng đạn xuyên giáp cao cấp Pzgr-40/43 APCR lõi tungsten, sức xuyên còn được nâng cao thêm 30% (tuy nhiên loại đạn APCR này rất đắt và chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ, toàn cuộc chiến Đức chỉ sản xuất được 5.800 viên Pzgr-40/43).

Tuy nhiên, việc kéo dài nòng pháo (lên tới L/71) để tăng sơ tốc đạn (từ đó làm tăng sức xuyên của đạn động năng) cũng đem lại một số nhược điểm:

  • Nòng pháo phải chịu áp suất cao nên nhanh bị mòn và giảm độ chính xác. Pháo 88mm L/71 chỉ có tuổi thọ nòng khoảng 1.200 phát bắn (khi sử dụng đạn Pzgr-39/43) và còn thấp hơn nhiều khi sử dụng đạn Pzgr-40/43. Để so sánh, pháo 88mm L/56 của Tiger I có tuổi thọ nòng cao gấp khoảng 5 lần.
  • Nòng pháo càng dài thì càng chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự giãn nở nhiệt do môi trường làm cong nòng pháo. Mức cong nòng là rất nhỏ và khó thấy bằng mắt thường, nhưng ở cự ly xa thì nó đủ làm phát bắn đi chệch nhiều mét. Trong thế chiến thứ 2 thì chưa có cách khắc phục vấn đề này, xạ thủ buộc phải dựa vào kinh nghiệm và điểm rơi của viên đạn trước đó để áng chừng độ lệch.

Vì 2 vấn đề này mà tỷ lệ chính xác của pháo 88mm L/71 trong thực tế thấp hơn khá nhiều so với lý thuyết. Tuy nhiên, hầu hết các trận đấu tăng thời kỳ đó diễn ra ở cự ly dưới 1,5 km và KwK 43 vẫn là một vũ khí rất chính xác trong cự ly đó.

Vỏ giáp

Giáp trước thân xe Tiger II dày 150mm nghiêng 50° (tương đương 230mm thép đặt thẳng đứng). Giáp trước tháp pháo dày 180mm nghiêng 10° (tương đương 190mm thép đặt thẳng đứng). Đây là loại xe có vỏ giáp dày nhất của Đức trong thế chiến 2. Trong các loại xe tăng của Đồng Minh, chỉ có IS-2 là có vỏ giáp phía trước gần bằng so với Tiger II (tuy nhiên giáp phía hông xe thì IS-2 dày hơn khoảng 20 - 60% tùy vị trí).

Thử nghiệm của Liên Xô cho thấy đạn xuyên giáp cỡ 85 mm của xe tăng hạng trung Xô Viết T-34/85 không thể xuyên thủng lớp vỏ thép dày phía trước của Vua Cọp thậm chí ở khoảng cách 300 mét. Thử nghiệm cho thấy, đạn pháo 85mm của Nga và 76mm của Mỹ chỉ có thể xuyên phá hông xe hoặc sườn tháp pháo Vua Cọp ở khoảng cách 800 tới 2.000 mét. Pháo ZIS-3 và F-34 (76mm) nhìn chung không thể xuyên phá cả giáp trước lẫn giáp sườn xe tăng này.[28]. Để xuyên phá được giáp trước Tiger II, cần phải có những loại xe tăng hạng nặng trang bị pháo cỡ nòng 100mm trở lên.

Lớp giáp dày cộng với súng tầm xa mạnh khiến Tiger II có một lợi thế chống lại hầu hết xe tăng đối thủ của Đồng MinhLiên Xô tham chiến với nó từ phía trước. Điều này đặc biệt đúng ở Mặt trận phía Tây, nơi cả lực lượng Anh và Mỹ đều không có xe tăng hạng nặng tham chiến. Chỉ súng chống tăng 17 pdr của Anh sử dụng đạn APDS trên xe tăng M4 Sherman Firely trên lý thuyết mới có thể bắn xuyên giáp trước tháp pháo và mũi của Tiger II (thân trước phía dưới) ở khoảng cách 1100 và 1200 yard.[29], tuy nhiên loại đạn APDS khi đó còn rất thiếu chính xác (tỷ lệ bắn trúng chỉ đạt 25% ở cự ly 1.000 yard), lại được sản xuất ít (mỗi xe chỉ được trang bị vài viên đạn APDS) nên Sherman Firely vẫn khó mà hạ được Tiger II ở cự ly xa. Chỉ có chiến thuật tấn công từ bên sườn là có thể đe dọa những chiếc Tiger II vốn có giáp bên và giáp sau mỏng hơn, đây là một ưu thế chiến thuật trong các trận đánh của Tiger II.[30] Hơn nữa, vũ khí chính của Tiger II có khả năng tiêu diệt hầu hết xe tăng của Đồng Minh từ phía trước ở những khoảng cách vượt quá 2.5 km, vượt ngoài khoảng cách hiệu quả của pháo trên xe tăng Anh-Mỹ.[31]

Tại Mặt trận Liên Xô, Tiger II gặp nhiều nguy hiểm hơn. Pháo tự hành SU-100 với pháo 100mm L/56 có thể xuyên thủng giáp trước tháp pháo (khu vực không có khiên che quanh nòng pháo) của Tiger II ở cự ly 1.000 mét. Xe tăng hạng nặng IS-2 (sử dụng pháo 122mm L/46) khi dùng loại đạn nổ mạnh (HE) nặng 25 kg có thể tiêu diệt Tiger II sau 2-3 phát đạn trúng giáp trước hoặc chỉ cần 1 phát đạn trúng hông xe (sức nổ cực mạnh sẽ khiến vỏ giáp của Tiger II bị nứt vỡ, sóng chấn động đủ làm trọng thương kíp lái). Một điểm quan trọng khác là đạn nổ mạnh không bị suy giảm sức công phá theo cự ly như đạn xuyên giáp động năng nên IS-2 có thể tiêu diệt Tiger II một cách hiệu quả ở cự ly rất xa, miễn là trong tầm bắn thằng 3.500 mét của khẩu pháo.

Đặc biệt, từ năm 1944, việc thiếu quặng khiến người Đức chuyển sang sử dụng thép có hàm lượng các-bon cao và ni-ken, khiến vỏ giáp Tiger II trở nên giòn hơn, khả năng chống đạn bị giảm đi. Theo thực nghiệm của Liên Xô trên 1 chiếc Tiger II bị bắt giữ nguyên vẹn, một viên đạn xuyên giáp động năng BR-471 APHE của IS-2 có thể bắn thủng giáp trước tháp pháo (vùng không có khiên chắn) của Tiger II từ cự ly tới 2.500 mét, hoặc xuyên được giáp trước thân xe từ cự ly 500 - 600 mét. Một thử nghiệm khác với pháo 100mm L/56 khi dùng đạn xuyên giáp động năng BR-412 cho thấy nó có thể xuyên được giáp trước thân xe Tiger II từ cự ly 700 mét. Kể cả khi không xuyên thủng được thì động năng rất lớn của viên đạn cỡ 100mm hoặc 122mm cũng gây ra những vết nứt vỡ lớn dọc lớp vỏ giáp (kể cả khi bắn từ cự ly 1.500 mét), các mảnh thép văng vào trong xe đủ sức giết chết tổ lái và khiến Tiger II bị hư hại nặng[32].

Ngoài ra, Liên Xô còn có trong tay pháo tự hành SU-152ISU-152 (trang bị pháo 152mm) cũng có thể tiêu diệt Tiger II chỉ với 1 phát đạn trúng đích. Nếu hai loại pháo tự hành này bắn trúng Tiger II thì sức nổ cực mạnh của viên đạn 152mm nặng 48 kg gần như chắc chắn sẽ xé toang vỏ giáp thân xe hoặc thổi tung tháp pháo và giết chết tổ lái trong xe bằng chấn động, bất kể cự ly bắn là bao xa.

Thử nghiệm thời chiến của Liên Xô

Trong tháng 8 năm 1944, 3 chiếc Tiger II đã bị người Liên Xô bắt được gần Sandomierz và nhanh chóng được đưa về các địa điểm thử nghiệm của họ tại Kubinka. Đội ngũ kỹ sư Liên Xô đưa ra kết luận của họ rằng những cuộc thử nghiệm cho thấy những chiếc xe tăng có rất nhiều khuyết điểm; hệ thống treo và truyền động rất dễ hỏng, động cơ thường bị quá nóng và dễ chết máy do phải tải một trọng lượng quá lớn so với công suất. Trung bình, cứ di chuyển một quãng đường ngắn (10–15 km) là Tiger II lại gặp trục trặc về cơ khí và truyền động.

Ngoài ra, sau khi bắn thử vào nó bằng nhiều loại đạn chống tăng, người Liên Xô còn cho rằng vỏ giáp của Tiger II có khả năng chịu đựng không cao, chỉ bằng 86% so với lý thuyết. Báo cáo của họ không chỉ cho rằng kim loại làm vỏ giáp có chất lượng tồi (một vấn đề không chỉ riêng với Tiger II — khi cuộc chiến ngày càng phát triển, người Đức ngày càng khó kiếm được các hợp kim cần thiết để chế tạo ra loại thép chất lượng cao), mà cả chất lượng các mối hàn cũng kém, dù đã có "sự chế tạo cẩn thận". Vì thế, thậm chí khi viên đạn không xuyên qua giáp, có một lượng lớn mảnh vỡ, và tấm giáp bị rạn ở các vết hàn khi nó bị trúng nhiều viên đạn hạng nặng, khiến xe tăng không thể hoạt động được nữa.[33][34]

Thử nghiệm đạn xuyên giáp động năng BR-471 APHE cỡ 122mm (trang bị trên xe tăng IS-2) đối với vỏ giáp mặt trước thân xe của Tiger II cho thấy: ở cự ly 500 mét, phát đạn không xuyên vào xe nhưng động năng của viên đạn đã gây ra những vết nứt lớn dọc mặt trước thân xe, các mối hàn giữa các tấm giáp bị vỡ, các mảnh thép vỡ văng vào trong xe đủ sức giết chết các thành viên tổ lái và phá hủy các thiết bị trong xe, khiến chiếc xe tăng trở nên vô dụng. Các vết nứt làm suy yếu kết cấu vỏ giáp, kết quả là phát đạn BR-471 thứ 2 (bắn từ 600 mét) đã xuyên thủng giáp trước thân xe.

Thử nghiệm đạn xuyên giáp động năng BR-471 APHE cỡ 122mm trên một xe khác với cự ly bắn 700 mét cũng cho kết quả tương tự (giáp mặt trước thân xe không bị thủng nhưng bị nứt nghiêm trọng). Do hậu quả của các vết nứt, kết cấu vỏ giáp bị suy yếu nghiêm trọng, và giáp trước thân xe sẽ bị xuyên thủng sau khi bị trúng 2-4 phát đạn xuyên giáp động năng cỡ 100mm hoặc 122mm, kể cả khi bắn từ cự ly 1.500 mét.

Đặc biệt bất ngờ là đạn BR-471 có thể xuyên thủng mặt trước tháp pháo (vùng không có khiên chắn) của Tiger II ngay từ phát đạn đầu ở cự ly tới 2.500 mét. Phát đạn làm vỡ một mảng lớn ở mặt trước, đồng thời gây ra một vết nứt kéo dài từ phía sau tới tận nóc tháp pháo[35]

Thử nghiệm với đạn nổ mạnh (HE) cỡ 122mm đối với vỏ giáp mặt trước thân xe của Tiger II còn cho kết quả khả quan hơn. Chỉ sau 1 phát bắn, mặt trước thân xe bị nứt vỡ một mảng lớn (diện tích 30 x 30 cm), các mối hàn nối giữa các tấm giáp phía trước và khe súng máy bị bật tung, các mối hàn nối với giáp hông bị nứt vỡ, và tấm giáp hông bị rụng ra 5 cm. Chiếc xe tăng bốc cháy từ bên trong[35]

Độ tin cậy và khả năng cơ động

Tiger II với tháp pháo sản xuất, tại Deutsches Panzermuseum, Munster, Đức

Những chiếc Tiger II đầu tiên gặp rất nhiều vấn đề về máy móc, cần rất nhiều cải tiến để khắc phục. Các sự cố này có thể do 2 nguyên nhân chính: rò rỉ nhiên liệu và hệ thống truyền động bị quá tải khi phải chống đỡ một chiếc xe nặng gần 70 tấn. Các vấn đề này, cùng với sự thiếu huấn luyện của kíp lái, khiến cho việc hoạt động của Tiger II rất hạn chế.

Có hai lý do kỹ thuật chính dẫn tới độ tin cậy kém ban đầu của Tiger II, thiếu các roăng và tấm đệm nối, và hệ thống lái quá tải vốn ban đầu chỉ được thiết kế cho phương tiện nhẹ hơn.[36] Bánh số hai cấp rất dễ hư hỏng.[37] Việc thiếu huấn luyện cho kíp lái có thể làm trầm trọng thêm vấn đề; các lái xe ban đầu chỉ được huấn luyện hạn chế trên các xe khác và thường được gửi trực tiếp tới các đơn vị chiến đấu trên đường ra mặt trận.[36] Đối với lái xe nhiều kinh nghiệm, cùng việc bảo trì thường xuyên, và sự cải tiến trong hệ truyền động, có thể khiến khả năng hoạt động của xe trở nên tốt hơn.

Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501 tới Mặt trận phía Đông với chỉ 8 trong số 45 chiếc có thể hoạt động, chủ yếu bởi hư hỏng hệ thống lái. Năm chiếc Tiger II đầu tiên được chuyển cho Panzer-Lehr-Division đã bị hỏng, không thể kéo về để sửa và đã bị phá huỷ để khỏi bị rơi vào tay quân địch, dù chưa hề tham chiến.[38]

Độ tin cậy đã được cải thiện theo thời gian với việc đưa vào sử dụng các roăng và đệm sửa đổi và các thành phần hệ thống lái, huấn luyện lái xe, và bảo dưỡng đầy đủ. Các thống kê từ ngày 15 tháng 3 năm 1945 so sánh khả năng của Tiger II với các loại tăng khác: 62% Panzer IV, 59% Tiger II và 48% Panther hoạt động trong giai đoạn này của cuộc chiến.[39]

Tổng thể, Tiger II là một loại xe tăng đáng ngưỡng mộ dù có những vấn đề của nó. Súng 88 mm của nó có thể tiêu diệt hầu hết phương tiện chiến đấu bọc thép của Đồng Minh từ xa bên ngoài tầm chiến đấu hiệu quả của chúng.[31] Tương tự, không tính tới các vấn đề về độ tin cậy thấp, động cơ và bộ phận truyền động dễ hư hỏng của nó, Tiger II khá nhanh nhẹn đối với một phương tiện hạng nặng. Những ghi chép đương thời của người Đức cho thấy tính cơ động của nó tốt tương đương hay hơn hầu hết các loại xe tăng của Đức hay Đồng Minh.[40]

Biên chế

Ngoài xe tăng nghiên cứu, huấn luyện và năm chiếc trực thuộc Panzer Lehr, những chiếc Tiger II chỉ được biên chế vào năm tiểu đoàn tăng hạng nặng (Schwere Panzer Abteilung) của Quân đội Đức (Heer), hay Waffen-SS.[29]

Tiger II thuộc Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 503 'Feldherrnhalle' dàn đội hình cho việc đưa tin tuyên truyền của Đức

Một tiểu đoàn tiêu chuẩn (abteilung) gồm 45 xe tăng:[29]

Ban chỉ huy Tiểu đoàn
3 x Tiger I
Ban chỉ huy đại đội số 1
2 x Tiger I
Ban chỉ huy đại đội số 2
2 x Tiger I
Ban chỉ huy đại đội số 3
2 x Tiger I
Trung đội số 1
4 x Tiger I
Trung đội số 2
4 x Tiger I
Trung đội số 3
4 x Tiger I
Trung đội số 1
4 x Tiger I
Trung đội số 2
4 x Tiger I
Trung đội số 3
4 x Tiger I
Trung đội số 1
4 x Tiger I
Trung đội số 2
4 x Tiger I
Trung đội số 3
4 x Tiger I

Các đơn vị đã sử dụng Tiger II như sau:[41]

Heer: (s.H.Pz.Abt) Tiểu đoàn 501, 502, 503, 504, 505, 506, 507, 508, 509, 510, 511SS: (s.SS.Pz.Abt) 501, 502, 503

Lịch sử chiến đấu

Một chiếc Tiger II thuộc Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 503 tại Nhormandy, 1944, với tháp pháo thời kỳ đầu (Được sản xuất bởi Porsche)

Tiger II lần đầu tiên tham chiến trong đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 503 chống lại Chiến dịch Atlantic giữa TroarnDemouville ngày 18 tháng 7 năm 1944; hai chiếc thiệt hại trong chiến đấu, cộng thêm xe tăng chỉ huy bị kẹt không thể hồi phục sau khi rơi vào một hố bom từ Chiến dịch Goodwood.[42]

Tại Mặt trận phía Đông, nó lần đầu được sử dụng ngày 12 tháng 8 năm 1944 bởi Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501 chống lại Chiến dịch Lvov–Sandomierz. Tiểu đoàn 501 được biên chế 20 xe Tiger II và 20 xe Panzer IV, nhưng các điểm yếu về thiết kế của Tiger II nhanh chóng bộc lộ. Trong ngày 11/8, chỉ có 11 xe sẵn sàng chiến đấu, số còn lại bị trục trặc kỹ thuật trên đường hành quân và phải kéo đến xưởng sửa chữa. Tiểu đoàn 501 Tiger II này được lệnh tấn công vào điểm đầu cầu của Liên Xô tại Sông Vistula gần Baranów Sandomierski, lực lượng xe tăng Liên Xô trấn giữ ở đây gồm 29 xe T-34/76, 14 xe T-34/85 và Trung đoàn xe tăng hạng nặng số 71 (gồm 11 xe tăng IS-2).

Trên đường tới làng Oględów vào chiều 13/8/1944, đội hình Tiger II bị lọt vào một cuộc phục kích của một số chiếc T-34. Bằng lối đánh phục kích bắn vào hông, chiếc T-34-85 của Trung úy Aleksandr Petrovich Oskin đã phá hủy ba chiếc Tiger II và bắn hỏng nặng 1 chiếc khác (vì thành tích này, Oskin được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô)[43] Vì những chiếc xe tăng này bị nổ đạn dược nên các kíp lái bị nhiều thương vong (từ đó về sau các viên đạn súng chính không còn được cho phép cất trữ trong tháp pháo nữa, làm giảm số lượng đạn xuống còn 68)[44] Ban đầu Oskin báo cáo đã phá hủy 3 chiếc Panther, về sau anh mới biết 3 chiếc xe tăng mà mình bắn hạ còn lớn hơn rất nhiều và đó là một loại xe tăng mới. Đến tối hôm đó, trong cuộc phản công của bộ binh Liên Xô, 2 chiếc Tiger II bị hỏng và 1 chiếc đang bị mắc kẹt trong bùn đã bị thu giữ do tổ lái bỏ xe chạy trốn, trong đó 1 chiếc còn nguyên cả tài liệu hướng dẫn vận hành. 3 chiếc Tiger II này được Liên Xô đưa ngay về nghiên cứu để tìm ra những điểm yếu của loại xe này[45]

Sau khi ổn định lại đội hình, ngày hôm sau, một đội 5 chiếc Tiger II quay lại phản công. 1 trung đội IS-2 do thượng úy Klimenkov chỉ huy được lệnh chặn đánh. Bằng 2 phát đạn nổ mạnh (HE), chiếc IS-2 của thượng úy Klimenkov đã phá hủy 1 chiếc Tiger II, sau đó chiếc IS-2 này phá hủy tiếp 1 chiếc Tiger II khác khi đó đang quay đầu rút lui.

Tại 1 hướng khác, 7 chiếc Tiger II tấn công nhưng cũng bị IS-2 chặn lại. Chiếc IS-2 của thượng úy Udalov đã chặn đánh và phá hủy 3 chiếc Tiger II từ cự ly 800 mét, khiến quân Đức phải rút lui. 2 giờ sau, quân Đức quay lại phản công, chiếc IS-2 của Trung úy Belyakov từ cự ly 1.000 mét đã phá hủy được 1 chiếc Tiger II sau 3 phát đạn nổ mạnh (HE). Những chiếc Tiger II còn lại phải rút lui. Tại làng Staszow, thêm 2 chiếc Tiger II bị phá hủy bởi 2 chiếc T-34-85 phục kích bắn xuyên hông ở cự ly 500 mét.

Như vậy, tổng cộng 14 chiếc Tiger II thuộc tiểu đoàn số 501 bị thiệt hại trong vùng từ ngày 12 tới ngày 13 tháng 8 khi đương đầu với những chiếc T-34-85 và IS-2 của Liên Xô ở địa hình cát không thích hợp, trong khi phía Liên Xô không chịu thiệt hại nào[43]. Tiger II đã có màn ra mắt nghèo nàn, những khiếm khuyết về hệ thống cơ khí, kích thước quá lớn khiến xe khó vận động linh hoạt và điểm yếu này đã bị Liên Xô khai thác để đánh bại nó. Vỏ giáp của xe cũng không đủ tốt như Đức mong đợi, Tiger II vẫn dễ bị phá hủy nếu bị pháo 122mm trên xe tăng hạng nặng IS-2 bắn trúng. Nó cho thấy loại xe này thích hợp cho phòng thủ hơn là tấn công [34]

Một chiếc Tiger II thuộc Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 503 và các binh sĩ Hungary trên đường phố tại quận Buda's Castle, tháng 10 năm 1944

Ngày 15 tháng 10 năm 1944 những chiếc Tiger II thuộc Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 503 đã đóng vai trò quyết định trong Chiến dịch Panzerfaust, hỗ trợ quân đội của Otto Skorzeny đánh chiếm thủ đô Budapest của Hungary, đảm bảo nước này vẫn ở trong Phe Trục cho tới cuối cuộc chiến. Tiểu đoàn số 503 sau đó tham gia vào Chiến dịch Debrecen. Tiểu đoàn số 503 tiếp tục ở lại Hungary trong các chiến dịch khác, trong 166 ngày, họ tuyên bố đã phá hủy hoặc bắn hỏng ít nhất 121 xe tăng Liên Xô, 244 súng chống tăng và pháo, 5 máy bay và một tàu hoả. Đổi lại là 26 xe tăng Tiger II bị phá hủy: 10 bị quân đội Liên Xô bắn hạ và bốc cháy, 2 chiếc bị hỏng nặng phải gửi lại Vienna để sửa chữa tại nhà máy, trong khi 14 chiếc khác bị kíp lái tiêu huỷ để ngăn chúng rơi vào tay quân dịch (xe bị hỏng nhưng không thể kéo về sửa được). Ngoài ra, hàng chục chiếc Tiger II khác bị bắn hỏng nhưng có thể sửa chữa lại.

Tính tổng cộng, Tiểu đoàn tăng hạng nặng SS số 503 tuyên bố đã đạt mức tiêu diệt 500 xe tăng, pháo tự hành và xe cơ giới các loại của đối phương trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1945 tại Mặt trận phía Đông, với thiệt hại là 45 chiếc King Tiger bị phá hủy (gần như toàn bộ số xe của tiểu đoàn), một số lớn là bị bỏ lại và bị phá huỷ bởi kíp lái sau khi hỏng hóc hay hết nhiên liệu mà không thể kéo về được.[46] Nếu trừ đi yếu tố phóng đại thành tích thường thấy trong chiến tranh, thì số xe mà Tiểu đoàn 503 bắn hạ vào khoảng 200 - 250, Dù tiểu đoàn 503 đạt tỷ lệ tiêu diệt 1 đổi 5, nhưng phần lớn số xe mà họ bắn hạ là các loại xe hạng trung rẻ tiền như T-34 hoặc SU-76, trong khi chi phí chế tạo của Tiger II lại rất đắt (gấp 7 lần so với T-34). Do vậy, tỷ lệ 1 đổi 5 thực ra vẫn là sự đánh đổi mà phần thua thiệt thuộc về Đức.

Kurt Knispel, pháo thủ có số lượng tiêu diệt xe tăng cao nhất mọi thời đại (tiêu diệt 162 xe thiết giáp đối phương), cũng phục vụ trong tiểu đoàn số 503, và đã bị thiệt mạng trong chiến đấu ngày 29 tháng 4 năm 1945 trong chiếc Tiger II của mình.[47]

Tiger II cũng có mặt tại Cuộc tấn công Ardennes tháng 12 năm 1944,[48] các cuộc tấn công Vistula–Oder[49]Đông Phổ của Liên Xô tháng 1 năm 1945,[50] Chiến dịch Mùa xuân Tỉnh thức của Đức tại Hungary tháng 3 năm 1945,[51] Trận Seelow Heights tháng 4 năm 1945, và cuối cùng là Trận Berlin ở cuối cuộc chiến.[52]

Chiến dịch cuối cùng mà Tiger II tham gia tiến công quy mô lớn là Chiến dịch Wisla-Oder, với kết quả là một thất bại nặng nề tại trận Kielce-Khmielnik, gần ngôi làng Lisow trước Quân đoàn xe tăng cận vệ số 4 của Liên Xô. Ngày 13/1/1945, Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 424 (tiền thân của nó chính là Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501) có trong trang bị 23 xe tăng Tiger II và 29 xe tăng Tiger I đã tấn công từ Khmielnik ở phía Nam và từ khu vực gần Kielce về phía bắc, ngoài ra tiểu đoàn 424 còn được yểm trợ bởi 13 xe tăng Panther từ Sư đoàn xe tăng số 16. Lữ đoàn xe tăng cận vệ số 61 của Liên Xô đã huy động 40 xe tăng T-34/85 chặn đánh ở làng Lisow. Ngay từ trước khi trận đánh diễn ra, nhược điểm về kích thước của Tiger phát tác: một xe Tiger I rơi xuống sông do cầu sập, vài xe khác bị sa lầy trong các vũng bùn. Các xe tăng T-34/85 đã ngụy trang khéo léo, chờ đến khi xe tăng Đức vào phạm vi 150 mét thì mới nổ súng, phá hủy ngay lập tức 4 chiếc Tiger và phá hủy tiếp 9 chiếc khác sau đó, khiến quân Đức phải rút lui. Sau thất bại của cuộc tấn công đầu tiên, người Đức huy động 30 xe Tiger (một nửa trong số đó là Tiger II) và 13 xe tăng Panther để tấn công lần nữa. Bất chấp việc quân Đức có ưu thế vượt trội (40 xe tăng hạng trung Liên Xô phải chống lại 43 xe tăng hạng nặng Đức), các xe T-34-85 sử dụng ưu thế cơ động đã liên tục di chuyển giữa những ngôi nhà đang cháy, và tiếp tục bắn vào xe tăng Đức ở cự ly gần. Đến 6 giờ tối, trận đánh kết thúc. Quân Đức tổn thất nặng với 7 chiếc Tiger I, 5 chiếc Tiger II và 5 xe tăng Panther đã bị phá hủy hoặc bị bỏ lại, nhiều xe khác bị hỏng nặng nhưng được kéo về. Tổng cộng trong 2 đợt tấn công thất bại, phía Đức đã mất ít nhất 35 xe tăng các loại, gồm phần lớn là Tiger I và Tiger II. Trong khi đó, Liên Xô chỉ tổn thất 11 xe tăng T-34/85 bị phá hủy và 11 chiếc khác bị hư hại nhưng có thể sửa lại (số xe hỏng được sửa chữa lại vào ngay hôm sau). Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 424 gần như bị xóa sổ sau thất bại này, cả tiểu đoàn trưởng cũng tử trận[53][54]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiger_II http://www.koenigstiger.ch http://afvdb.50megs.com/germany/pz6.html#AusfB http://battlefieldsww2.50megs.com/la_gleize_king_t... http://www.achtungpanzer.com/articles/tigertam.htm http://www.achtungpanzer.com/gallery/ktgal2.htm http://www.achtungpanzer.com/pz13.htm#grille http://www.achtungpanzer.com/pz5.htm http://www.achtungpanzer.com/tiger-tamers-battle-f... http://tankarchives.blogspot.com/2013/03/is-2-vs-g... http://tankarchives.blogspot.com/2013/05/100-mm-gu...